3 Tháng Mười, 2023

Mở quán ốc cần bao nhiêu chi phí?

Mở quán ốc là một lựa chọn kinh doanh phổ biến và hấp dẫn trong ngành ẩm thực .Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào việc mở quán ốc, bạn cần xem xét và tính toán kỹ lưỡng về chi phí mở quán. Blog Khởi Nghiệp đã từng chia sẻ với các bạn kinh nghiệm mở quán ốc cho người mới bắt đầu rồi, video này Blog Khởi Nghiệp sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về các khoản chi phí quan trọng mà bạn cần chi trả khi mở một quán ốc.

Đó là các loại chi phí như:

1 Chi phí thuê mặt bằng
2. Chi phí sang sửa, trang trí quán
3. Chi phí đầu tư vật chất, đồ dùng trong quán
4. Chi phí mua sắm gia vị, nguyên liệu
5. Chi phí thuê nhân viên
6. Chi phí quảng cáo
7. Chi phí nhập hàng
8. Chi phí khác

Bây giờ thì theo dõi tiếp để xem các hạng mục sẽ hết bao nhiêu tiền nha.

Mở quán ốc cần bao nhiêu chi phí?

Quán ốc bình dân thường không tốn quá nhiều vốn, chủ quán chỉ cần bỏ ra từ 70 – 100 triệu là đã đủ cho quán có thể hoạt động. Tuy nhiên con số này cũng có thể lớn hơn một chút, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: địa điểm, quy mô, chất lượng quán và chiến lược kinh doanh của bạn.

1. Chi phí thuê mặt bằng

Đây là khoản chi phí quan trọng nhất và cũng chiếm nhiều nhất khi mở quán ốc. Giá thuê mặt bằng sẽ phụ thuộc vào vị trí, diện tích và tiềm năng kinh doanh của khu vực. Thực chất mở quán ốc bình dân thì không cần mặt bằng quá to, bạn chỉ cần thuê mặt bằng từ 30-50m2 quan trọng là vỉa hè rộng, với mức giá thuê từ 5-10 triệu đồng/tháng là hợp lý. Điều bạn cần chú trọng là vị trí của quán, phải nằm ở những vị trí dễ tìm, an tinh tốt, có chỗ để xe. Bạn nên chọn ở những nơi đông dân cư như trường học, các tòa chung cư, công ty hoặc thậm chí bạn có thể mở ngày trong ngõ hẻm rộng rãi, đặc biệt là những con hẻm nổi tiếng về kinh doanh ẩm thực. Còn nếu bạn mở quán ở những khu vực mặt đường, hay sở hữu mặt tiền đẹp, ngay ngã ba ngã tư thì giá chắc chắn sẽ phải trên 15 triệu/tháng. Thông thường các chủ nhà cho thuê sẽ yêu cầu đóng tiền 3 tháng 1 lần hoặc cọc 1 tháng tiền nhà. Vậy nên chi phí có thể lên đến khoảnh 20 – 40 triệu đồng.

Lưu ý rằng các con số trên chỉ là ước lượng và có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm và đặc thù của khu vực là trung tâm hay ngoại ô. Để có thông tin chính xác về giá thuê mặt bằng cho quán ốc bình dân, bạn nên tìm hiểu thêm từ các nguồn địa phương như quảng cáo cho thuê, trang web bất động sản hoặc tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực.

2. Chi phí sang sửa, trang trí quán

Sửa chữa, lắp đặt nội thất cho quán ốc bình dân là một phần khá quan trọng việc tạo nên một môi trường thoải mái và thu hút khách hàng. Nhưng vì là quán bình dân nên bạn cũng không cần lắp đặt hay trang trí quá cầu kỳ, chỉ cần có một số thiết bị cần thiết như: Quạt, điều hoà, hệ thống đèn, biển hiệu,…Chi phí này có thể rơi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Trong đó lắp biển sẽ rơi vào khoảng 2 triệu đồng nếu bạn dùng biển hiệu bằng bạt Hiflex và sẽ đắt hơn nếu bạn chọn biển hiệu đèn led có giá khoảng 3 triệu 500 đồng.

Vì diện tích của quán cũng không quá to nên hệ thống đèn của quán sẽ cần tầm 3 bóng đèn led bán nguyệt dài 36W. Giá sẽ khoảng 200 nghìn/chiếc, cả chi phí lắp sẽ rơi vào 700 nghìn.

Thông thường, các quán ăn bình dân sẽ lựa chọn quạt treo tường vừa tiện lợi vừa tiết kiệm diện tích. Vì có điều hoà rồi nên một quán ốc sẽ chỉ cần 4 chiếc quạt phe phẩy cho thoáng. Quạt senko hiện đang là dòng quạt bền, giá rẻ được chiều chủ quán dùng nhất, nó có giá dao động 300 nghìn/chiếc. Ngoài ra bạn có thể tham khảo dòng quạt Vinawind xịn hơn có giá 500 nghìn/chiếc. Vị chi cho khoản này sẽ khoảng 1,2-1,5 triệu đồng.

Về phần điều hoà, một chiếc với công suất 18000 BTU sẽ phù hợp với quán có diện tích 30m2. Bạn có thể tham khảo dòng điều hoà của Multi LG có giá 6 triệu hoặc dòng tiết kiệm điện của Casper có giá 9 triệu đồng. Bên cạnh đó, để có thể tiết kiệm chi phí, bạn hoàn toàn có thể mua hàng thanh lý các thiết bị điện tử này với giá rẻ hơn khoảng 50% hoặc 30% tuỳ vào tình trạng sử dụng của chủ trước.

Mặc dù quán ốc bình dân không cần trang trí quá cầu kì nhưng bạn vẫn nên sơn sửa lại tường lại quán của của mình. Bạn có thể mua sơn về tự sơn tường cho tiết kiệm hoặc thuê các dịch vụ vẽ tường bên ngoài. Điều này vừa giúp tạo ra không gian hấp dẫn, thú vị cho quán ốc mà còn tạo điểm nhấn và gây ấn tượng với khách hàng. Giá 1 thùng sơn Kova 4kg sẽ khoảng 500 nghìn. Tạo điểm nhấn bằng một bức tranh tường với chi phí 3 triệu.

3. Chi phí đầu tư vật chất, đồ dùng trong quán

Khi mở một quán ốc bình dân, bạn cần đầu tư vào vật chất và đồ dùng cần thiết để hoạt động quán. Tuy nhiên con số này cũng không quá đáng kể chỉ khoảng 10 triệu đồng. Những đồ dùng có thể kể đến như: Bàn ghế, tủ đông, bát đũa, đĩa, giấy ăn,… Trong đó, bàn ghế và tủ đông có lẽ sẽ tốn chi phí nhiều nhất.
Để phục vụ quán ốc thì bạn chỉ cần những bộ bàn ghế nhựa, giá thị trường khoảng 250 nghìn đồng/bộ (1 bàn và 4 ghế). Vì quán mới mở nên bạn cũng chỉ cần khoảng 10-15 bộ là đủ, khoản này sẽ tốn của bạn 4 triệu đồng.
Về phần tủ đông, bạn có thể chọn một chiếc tủ 400l của hãng Hoà Phát với giá 4 triệu hoặc xịn hơn là của Sanaki với giá 6 triệu. Hai loại tủ này đều có chức năng vừa làm mát vừa làm đông.

Hầu hết, các quán ốc đều dùng bát đũa nhựa vì độ bền và sự tiện lợi, giá một chiếc bát nhựa là 14 nghìn đồng/chiếc, đĩa là 12 nghìn đồng/chiếc, đũa là 10 nghìn đồng/10 đôi. Quán của bạn sẽ cần khoảng 60 bộ, vị chi sẽ hết khoảng 2 triệu đồng.

4. Chi phí mua sắm gia vị, nguyên liệu

Chi phí mua sắm gia vị phục vụ cho quán ốc bình dân trong một tháng sẽ phụ thuộc vào quy mô và lượng khách hàng của quán. Nhưng con số này cũng không quá lớn vì những gia vị như: muối, tiêu, đường, nước mắm, mì chính, gừng tỏi, lá chanh, sung,.. khá rẻ, ước tính một tháng chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng.

5. Chi phí thuê nhân viên

Chi phí thuê nhân viên chạy bàn cho quán ốc bình dân trong một tháng sẽ phụ thuộc vào số lượng và mức lương của nhân viên, cũng như số giờ làm việc hàng tháng. Hầu hết, các quán ốc bình dân sẽ do người chủ trực tiếp chế biến nên sẽ không tốn phí thuê đầu bếp cho quán. Nhưng nếu lượng khách đông, bạn cũng có thể thuê thêm 1-2 người để hỗ trợ bạn bưng bê, thu tiền, order,.. Mức lương của nhân viên làm theo ca hiện tại khoảng 4-5 triệu/tháng không bao ăn trưa và ăn tối. (ca 8 tiếng).

6. Chi phí quảng cáo

Với một quán ốc bình dân thì quảng cáo qua hình thức truyền miệng là hiệu quả nhất. Vậy nên bạn cũng không cần phải dành quá nhiều ngân sách cho khoản này. Bạn chỉ cần in một ít tờ rơi hoặc viết các bài quảng cáo trên mạng xã hội. Nền tảng facebook là nơi tiềm năng nhất, bạn có thể quảng cáo qua đó và nhờ bạn bè chia sẻ. Chi phí cho khoản này có thể rơi vào khoảng 500-1 triệu đồng.

7. Chi phí nhập hàng

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng khi mở quán ốc bình dân. Chi phí nhập ốc hàng tháng tại quán ốc bình dân sẽ phụ thuộc vào số lượng và loại ốc mà quán sử dụng, cũng như giá cả thị trường. Khi mới mở quán ốc bạn nên lấy số lượng vừa phải chỉ dùng trong ngày, hôm nào lấy bán hết hôm đó, không được sử dụng nguyên liệu còn cho hôm sau như vậy ốc sẽ không ngon ảnh hưởng đến chất lượng của quán. Các loại ốc thường được sử dụng tại các quán có thể kể đến như:

  • Ốc vặn có giá 20.000đ/ 1kg
  • Ốc mít có giá 60.000đ/1kg
  • Ốc nhồi có giá 80.000đ/1kg
  • Ốc hương có giá khoảng 600 nghìn đồng/kg
  • Ốc giác có giá khoảng 250 nghìn đồng/kg
  • Ốc mở có giá khoảng 200 nghìn đồng/kg
  • Ốc cà na có giá khoảng 80 nghìn đồng/kg
  • Ốc móng tay có giá khoảng 100 nghìn đồng/kg

Tuỳ thuộc mỗi ngày bán được bao nhiêu cân ốc nhưng ước lượng chi phí nhập ốc ban đầu sẽ khoảng 20 – 30 triệu/tháng. Những tháng khác khi đã có một lượng khách nhất định thì con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Đặc thù của quán ốc là dòng tiền xoay vòng nhanh, chỉ sau một ngày bạn có thể thu lại được một phần vốn để bù đắp vào việc trả tiền nguyên liệu. Ngoài ra bạn cũng có thể bán thêm các món khác ngoài ốc như: nem chua rán, bia, nước ngọt,.. những món này hoàn toàn có thể được lâu nên bạn không lo sẽ bị “ế”.
Giá sỉ nhập nem chua rán 1 hộp 20 chiếc là 25 nghìn đồng, bạn nhập khoảng 20 hộp sẽ là 500 nghìn đồng. Giá sỉ bia và nước ngọt sẽ khoảng 3 triệu tuỳ loại.

8. Chi phí khác

Ngoài những chi phí trên thì bạn cũng cần phải chi trả cho những khoản tiền như điện, nước,… Chi phí điện, nước tại quán ốc sẽ phụ thuộc mức độ hoạt động và giá cả của điện nước trong khu vực. Nó có thể rơi vào khoảng 3 triệu đồng/tháng vào mùa hè. Mùa đông sẽ ít hơn sẽ khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài những chi phí bắt buộc trên, bạn nên dành ra 20 triệu đồng cho ngân sách dự phòng. Ngân sách dự phòng là một phần quan trọng để đối phó với các chi phí bất ngờ và tình huống khẩn cấp. Trong ngành ẩm thực, sự không chắc chắn về doanh thu là điều thường xuyên xảy ra. Có thể gặp phải những ngày thưa khách hoặc thay đổi đột ngột trong xu hướng thị trường. Ngoài ra, cần tính đến chi phí sửa chữa và bảo trì thiết bị, nâng cấp không gian quán, cũng như các biến động về giá cả nguyên liệu và nguyên vật liệu. Hơn nữa, tình huống khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn hoặc vụ việc không mong muốn cũng có thể xảy ra. Có ngân sách dự phòng giúp đảm bảo sự ổn định của hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng khó khăn tài chính và đảm bảo tiếp tục phục vụ khách hàng một cách suôn sẻ.

Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm của Blog Khởi Nghiệp về chi phí mở quán ốc bình dân, bạn có thể tham khảo trước khi quyết định mở quán kinh doanh và hãy nhớ lập một kế hoạch kinh doanh quán ốc chi tiết, và chuẩn thật bị kỹ lưỡng nhé! Chúc bạn sẽ sớm gặt hái được những thành công từ quán ốc nhỏ mà bạn đặt trọn tâm huyết vào!