Xin chào các bạn! Cửa hàng tạp hoá hay cửa hàng tiện lợi đã có ở Việt Nam từ rất lâu rồi thế nhưng theo số liệu thống kê từ Vụ thị trường trong nước (thuộc Bộ Công Thương) cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), chi tiêu hộ gia đình tăng qua các năm. Hiện, Việt Nam có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi và kênh bán lẻ này sẽ còn tăng trưởng mạnh. Đó là lợi thế và cũng là lý do mà nhiều người muốn kinh doanh cửa hàng tạp hoá. Vậy mở một cửa hàng tiện lợi có khó không? Các bước làm như thế nào? Kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hoá cần biết là gì? Chi tiết sẽ được Blog Khởi Nghiệp giải đáp trong video này.
Chia sẻ kinh nghiệm 9 bước mở cửa hàng tạp hóa tự chọn
Bước 1: Tìm mặt bằng kinh doanh cửa hàng tạp hóa
Chọn địa điểm mở cửa hàng tạp hóa là điều quan trọng chiếm đến 80% sự thành công hay thất bại của tiệm tạp hóa. Nếu mở tại nơi hẻo lánh, hay xung quanh có nhiều đối thủ cạnh tranh, đối thủ quá lớn, lâu năm thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách.
– Vị trí đặt cửa hàng tạp hoá bạn nên chọn khu vực đông dân cư, các công ty, xí nghiệp, lưu lượng người qua lại lớn. Nên thuê được ở mặt đường là tốt nhất, nên tránh những địa điểm dễ bị che khuất tầm nhìn, giao thông cản trở.
– Với mặt tiền khoảng 5m và diện tích 60m2 cửa hàng tạp hóa của bạn sẽ đạt chuẩn, dễ dàng trong việc sắp xếp bài trí hàng hóa đồng thời đặt biển hiệu thu hút người tiêu dùng hơn.
– Phải có chỗ đậu xe hoặc chỗ gửi xe thuận tiện cho khách hàng, nếu không họ sẽ cảm thấy bất tiện, sợ mất, trộm, vướng giao thông dẫn đến không thoải mái mua sắm.
– Sau khi tìm được mặt bằng, bạn cũng cần làm việc với chủ nhà để làm hợp đồng thuê nhà kéo dài ít nhất là 5 năm, không nên quá ngắn để tránh gián đoạn trong quá trình kinh doanh
Xem thêm: Kinh nghiệm mở salon tóc thành công cho những người lần đầu
Bước 2: Nghiên cứu thị trường, khảo sát nhu cầu của dân cư khu vực
Đây là bước quan trọng nhưng lại có nhiều người bỏ qua. Để kinh doanh cửa hàng tiện lợi thành công bạn cũng cần phải khảo sát nhu cầu, đánh giá thị trường.
– Hãy tìm hiểu dân cư khu vực xung quanh đó xem mức thu nhập ra sao, có đông dân sinh sống không?
– Tìm hiểu xem có bao nhiêu cửa hàng tạp hoá đang bán, họ bán những gì? Có đông khách không?
Rồi từ đó mới đưa ra được kế hoạch và các mặt hàng mình sẽ bán. Đây là điều rất quan trọng giúp bạn giảm bớt những rủi ro khi bắt đầu kinh doanh cửa hàng tiện lợi, đánh đúng khách hàng mục tiêu.
Bước 3: Lên danh mục hàng hoá, tìm nguồn hàng
Theo kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi, nhiều chủ cửa hàng khuyên bạn nên lựa chọn các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu lớn.
– Lên đầu mục các ngành hàng muốn bán như: bánh kẹo, đồ khô, dầu gội, sữa tắm, đồ gia vị,vv…
– Sau đó, liên hệ với các công ty sản xuất hoặc đại lý cấp 1 để có danh sách các mặt hàng nhỏ lẻ cũng như giá cả từng loại.
– Lựa chọn rồi lên danh sách chi tiết các mặt hàng, số lượng cần nhập từ đó sẽ có chi phí nhập hàng dự kiến. Mới bán chỉ nên lấy ít một để tránh bị tồn hàng.
Khi cửa hàng đã hoạt động ổn định, định hình được rõ nhu cầu của khách hàng. Chủ tiệm có thể cân nhắc số lượng nhập hàng lớn để được chiết khấu của nhà cung cấp, tăng tỉ lệ chiết khấu trên từng sản phẩm.
Xem thêm: Kinh nghiệm mở shop hoa giả từ những người thành công
Bước 4: Thiết kế, setup cho cửa hàng tạp hoá
Dù là một cửa hàng tạp hóa nhỏ thì bạn cũng nên chuẩn bị một bản thiết kế, setup chi tiết việc bố trí, sắp xếp bên trong cửa hàng như thế nào cho phù hợp. Vì càng nhỏ thì lại càng cần phải tối ưu để bày biện được nhiều mặt hàng.
Bạn không cần thuê thiết kế mà có thể tự hình dung nên bố trí thiết bị ở vị trí nào, kê bao nhiêu bộ kệ tạp hóa, chọn loại kệ nào thì hợp với diện tích bày hàng,… Kinh nghiệm thực tế từ những chủ cửa hàng tạp hoá là bạn hãy hỏi ngay đơn vị cung cấp giá kệ lớn, họ sẽ có những bản mẫu thiết kế để bạn tham khảo.
Bước 5: Đăng ký kinh doanh
Khi mở một cửa hàng tạp hóa để kinh doanh được thì chủ cửa hàng cần đăng ký kinh doanh cá thể, hộ gia đình với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện tại nơi định mở cửa hàng.
Với mô hình tạp hóa hiện đại có quy mô lớn một chút sẽ phải xin thêm một số giấy tờ như: giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy,…
Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em chi tiết từ A đến Z
Bước 6: Mua sắm các thiết bị cần thiết
Với một cửa hàng tạp hoá, bạn sẽ cần những thiết bị sau:
– Kệ siêu thị mini,
– Các loại tủ đông, tủ mát để bảo quản, lưu trữ các mặt hàng như kem, nước ngọt, đá,…
– Bàn thu ngân để hỗ trợ quy trình thanh toán được dễ dàng, chuyên nghiệp hơn. Nhất là những cửa hàng có sử dụng phần mềm quản lý bán hàng.
Bước 7: Trưng bày hàng hóa hiệu quả
Đây là bước quan trọng đến việc tăng doanh thu cho cửa hàng tiện lợi nha. Một số mẹo trưng bày hàng hoá như:
– Trưng bày các sản phẩm liên quan ở cạnh nhau
– Các mặt hàng nhỏ, giá thấp nên trưng bày ở bàn thu ngân
– Trưng bày hàng tạp hóa theo thương hiệu, đặc tính sản phẩm
– Sắp xếp hàng hóa trên giá kệ ngay ngắn, khoa học
– Chọn vị trí tốt cho những mặt hàng quan trọng
Bước 8: Xây dựng quy trình quản lý cửa hàng
Nếu như trước đây mọi công việc nhập hàng, xuất hàng, quản lý hàng tồn đều phải làm thủ công thì giờ đây bạn nên đầu tư một phần mềm quản lý bán hàng. Phần mềm này sẽ giúp chủ cửa hàng tạp hoá giải quyết mọi khâu liên quan từ hàng hóa đến doanh thu, hàng nhập, hàng bán,…
Bước 9: Quảng bá cho cửa hàng tạp hóa
Dù là một cửa hàng tiện lợi nhỏ thôi nhưng nếu quảng bá tốt thì lượng khách đến cửa hàng có thể tăng gấp đôi. Chưa kể dịch vụ chuyển hàng đang rất phát triển, bạn hoàn toàn có thể bán hàng online, giao hàng tại nhà.
– Hãy có các chương trình khuyến mại, chiết khấu cho khách hàng.
– Giao hàng tận nơi, miễn phí ship
– Có các chính sách giảm giá, quà tặng cho khách quên
Một số câu hỏi mà những người lần đầu mở cửa hàng tạp hoá quan tâm như:
Câu hỏi 1: Mở cửa hàng tạp hóa cần bao nhiêu vốn?
Theo Blog Khởi Nghiệp tổng hợp được từ các chia sẻ của chủ tiệm tạp hoá thành công:
– Chi phí thuê mặt bằng (Khoảng 10 triệu/tháng)
– Chi phí đầu tư cho nguồn hàng (Khoảng 300 triệu)
– Chi phí thuê nhân viên (Khoảng 5 triệu/tháng)
– Chi phí cho các trang thiết bị (Khoảng 40 triệu)
Câu hỏi 2: Lãi suất từ bán hàng tạp hóa có cao không? Bán tạp hóa có giàu không?
Khi mở cửa hàng tạp hoá, ngoài lợi nhuận trực tiếp từ bán sản phẩm hàng hóa bạn còn có thể được hưởng:
– Chiết khấu trên lợi nhuận bán sản phẩm từ nhà cung cấp. Thông thường, các nhà cung cấp sẽ phải trả cho bạn một khoản chiết khấu nhất định nếu như bạn đạt được số lượng bán ra sản phẩm.
– Tiền PR, quảng cáo nhờ trưng bày sản phẩm cho nhãn hàng trên các quầy bán hàng tạp hóa. Nếu như các nhãn hàng muốn trưng bày sản phẩm của họ tại một vị trí đẹp trong cửa hàng của bạn.
– Những ưu đãi đến riêng từ nhà cung cấp. Sau thời gian hợp tác khi bạn trở thành khách hàng thân thiết của các nhà cung cấp thì ắt hẳn bạn sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt đến từ những nhà cung cấp này.
Lợi nhuận bán trên một mặt hàng có thể không cao, nhưng mở cửa hàng tạp hoá lại có ưu điểm là khách vào mua một lần sẽ nhiều sản phẩm. Lợi nhuận 1 tháng từ 30 -50 triệu là hoàn toàn có thể, phụ thuộc vào quy mô, số lượng mặt hàng bạn có nữa.
Hy vọng qua video chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hoá của Blog Khởi Nghiệp, các bạn đã có được cho mình những bài học thực tế, những việc làm cụ thể để bắt đầu khởi sự một cửa hàng tiện lợi. Chúc các bạn thành công!