Từ thiện là cụm từ rất nhân văn. Từ thiện ở Việt Nam có nhiều hình thức khác nhau chẳng hạn như là từ thiện bằng tiền, từ thiện bằng vật phẩm, từ thiện bằng học bổng, từ thiện khám chữa bệnh, v.v. Nếu như trước đây người dân muốn từ thiện có thể đóng góp qua các quỹ như quỹ Vì Người Nghèo, hội Chữ Thập Đỏ, v.v thì ngày nay các mạnh thường quân đã có thể đóng góp cho các tổ chức tư nhân hoặc là các cá nhân có uy tín.
Tuy nhiên cụm từ “từ thiện” dần trở nên méo mó hơn vì hiện nay có rất nhiều chiêu trò từ thiện để trục lợi cá nhân, xâm phạm đến lợi ích đáng lẽ người nhận phải được nhận trọn vẹn. Hãy cùng #BlogKhởiNghiệp tìm hiểu những chiêu trò từ thiện phổ biến nhất hiện nay để chúng ta cùng cảnh giác đề phòng nha. Đây chỉ là những kiến thức cá nhân dựa trên thông tin tìm kiếm được nên có thể không được đầy đủ, mọi người cùng vào tham khảo để xây dựng nguồn thông tin đầy đủ và chuẩn xác nhất nhé.
1/ Lợi dụng mua bán trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề
Khoảng năm 2013 – 2015, dư luận rúng động với vụ án mua bán trẻ mồ cô tại chùa Bồ Đề làm dư luận xôn xao. Đứa trẻ bị mua bán chỉ mới gần một tuổi, cháu đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Sau đó cháu bé bị đưa ra khỏi chùa, bán với giá 35 triệu đồng với sự thông đồng của Trang là quản lý nhà mở ở chùa Bồ Đề và mẹ của cháu bé. Chùa Bồ Đề nổi tiếng với việc nhận nuôi hàng trăm cháu bé bị bỏ rơi. Nhưng chỉ bằng sự mua bán vô cảm của người quản lý trong chùa với những đứa bé vô tội đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chùa Bồ Đề nặng nề.
Thậm chí vào thời gian đó, người ta liên tục truyền tai nhau những thông tin nếu mỗi đứa trẻ được nuôi tại chùa Bồ Đề được nhận làm con nuôi cho một gia đình nào đó, nhà chùa sẽ được “cung tiến” từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ những người nhận nuôi trẻ. Thông tin này đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài trước khi có quyết định xử phạt những người liên can 3-4 năm tù giam.
2/ Lừa đảo từ thiện với những bệnh nhân hiểm nghèo
Đây được xem là hình thức lừa đảo từ thiện phổ biến nhất hiện nay. Bạn sẽ thấy rất nhiều trường hợp tại nạn thương tâm, những người bị bệnh hiểm nghèo mà bạn thấy nhan nhản trên mạng xã hội đang được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Theo tìm hiểu, #BlogKhởiNghiệp hiểu được rằng lừa đảo từ thiện trong bệnh viện dưới dạng quyên góp chữa bệnh này có 3 dạng chính:
Dạng lừa đảo từ thiện thứ nhất là những thông tin về người bị tai nạn, người bị bệnh hiểm nghèo đều là thông tin giả. Người đăng thông tin có thể tìm những người bệnh không liên quan khác và đăng tải với những lời lẽ thống thiết, thảm thương để đánh vào lòng tốt của người dân. Rất ít mạnh thường quân có thể đến trực tiếp để xác thực thông tin. Họ chỉ chuyển tiền vào số tài khoản vì lòng tin của mình.
Dạng lừa đảo từ thiện thứ 2 khá phổ biến và với mức độ chuyên nghiệp hơn. Những người đăng tin chúng ta gọi tắt là cò mồi từ thiện sẽ thoả thuận với người nhà bệnh nhân có bệnh thực sự. Các mạnh thường quân quyên góp tiền chữa bệnh vào tài khoản của người nhà bệnh nhân, nhưng dưới sự quản lý của cò mồi từ thiện. Ngay khi kết thúc đợt quyên góp, cò mồi từ thiện sẽ chỉ chi trả số tiền bệnh viện yêu cầu, còn lại phần chênh lệch (con số có thể khá lớn) thì họ thu giữ với lý do tiền cò môi giới. Dạng lừa đảo từ thiện này chuyên nghiệp hơn vì mạnh thường quân có thể đến trực tiếp gặp gỡ người khó khăn và trao những số tiền lớn hơn nhờ nhiều người cùng đóng góp.
Dạng lừa đảo từ thiện trong bệnh viện thứ 3 ít gặp hơn, cũng tương tự dạng 2 nhưng cò mồi từ thiện sẽ ăn chia % với người nhà bệnh nhân. Hiện nay dạng lừa đảo trong bệnh viện quy mô và chuyên nghiệp hơn nhờ những tên cò mồi khéo léo cắt ghép những video mảnh đời bất hạnh để đổi lấy sự thương hại của người dân và những khoản tiền chuyển liên tục vào tài khoản.
3/Lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi
Nhiều nghệ sĩ trong showbiz hiện nay bị gán ghép với cụm từ “từ thiện để đánh bóng tên tuổi”. Đây không hẳn là lừa đảo từ thiện vì nếu họ thu chi chuẩn chỉnh thì những đồng tiền thu vào chi ra đã giúp đỡ rất nhiều cho người khó khăn. Nhưng có nhiều ngôi sao hoặc những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp đi từ thiện với dàn ekip hùng hậu, ống kính chỉa thẳng vào từng động tác trao quà cho người nghèo, phía sau ống kính lại có những hành động thô lỗ với người dân thì rất đáng lên án.
4/ Kêu gọi quyên góp từ thiện rồi bỏ túi riêng
Chúng ta chưa vội bàn đến những trường hợp từ thiện không minh bạch ở Việt Nam vì câu chuyện phía sau đó cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng. #BlogKhởiNghiệp sẽ gửi đến bạn vài ví dụ về những ngôi sao Hollywood nổi tiếng từng vướng lùm xùm kiện tụng vì bỏ túi tiền từ thiện như:
Kanye West Foundation được báo cáo chi 553.826 USD trong quỹ từ thiện của mình nhưng chỉ dành 583 USD để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, phần lớn khoản tiền trong quỹ để trả lương nhân viên, tiền công và phúc lợi.
Kim Kardashian bị tố đã giữ 90% lợi nhuận bán hàng quyên góp từ thiện và chỉ trích 10% để giúp đỡ các nạn nhân trong siêu bão Haiyan ở Philippines năm 2013.
Lamar Odom – Khloe Kardashian kêu gọi được 2,2 triệu USD và chi 1,3 triệu USD để tài trợ cho 2 đội bóng rổ trẻ sau đó báo nợ 256.000 USD.
Madonna đã lấy $3,8 triệu khi kêu gọi $15 triệu để xây dựng ngôi trường trị giá $15 triệu cho nữ sinh ở Malawi. Số tiền Madona lấy được cô dùng để mua sắm xe oto, thuê nhân viên, kiến trúc sư.
Bạn thấy đấy, đằng sau mác từ thiện có rất nhiều vấn đề đã, đang và có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào. Dẫu biết rằng tinh thần từ thiện là rất tốt, nhưng trước khi bỏ tiền túi ra để từ thiện bạn cần kiểm chứng lại các thông tin về người cần giúp đỡ. Đừng để số tiền đáng lẽ ra đã giúp được cho người khó khăn sẽ không đến được với họ nhé. Bạn có muốn đóng góp ý kiến nào cho #BlogKhởiNghiệp không, chúng ta cùng trao đổi bên dưới bình luận nhé. Video hôm nay đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã theo dõi hết video này, xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong video vào ngày mai.