Từ thiện là gì?
Theo định nghĩa Từ thiện là gì trên Wikipedia “Từ thiện là một hành động trợ giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà tự họ không thể thay đổi được.” Hay nói cách khác từ thiện là sự chia sẻ giữa người có nhiều với người có ít hoặc không có bằng hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm,… Từ thiện vốn đã có từ rất lâu đời, các cụ ngày xưa cũng đã răn dạy con cháu “lá lành đùm lá rách” hay “một nắm khi đói bằng một gói khi no”.
Kinh doanh từ thiện là gì?
Ban đầu khái niêm “kinh doanh từ thiện là gì” bị nhiều người không đồng ý. Rõ ràng giữa 2 cụm từ “kinh doanh” và “từ thiện” đã có bản chất khác nhau rồi. Kinh doanh là phải có lợi nhuận nhưng từ thiện đa phần là phi lợi nhuận. #BlogKhởiNghiệp sẽ không đi vào giải thích khái niệm mà sẽ cụ thể từng mô hình kinh doanh hiện nay để các bạn hình dung dễ hơn nhé.
Những mô hình kinh doanh từ thiện hiện nay
Kinh doanh gắn liền với từ thiện
Nhiều công ty lớn, tập đoàn hoạt động tại Việt Nam đã duy trì những quỹ từ thiện riêng của công ty. Bạn sẽ thấy nhiều nhất là hình thức bán hàng như sau:
Bánh Karo với chương trình ‘Vuông tròn yêu thương – Cùng góp 2.000 đồng/mỗi túi bánh vào quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 của Richy – Karo.
Hàng năm thương hiệu bánh COZY sẽ trích một phần lợi nhuận để xây dựng khu vui chơi trẻ em cho các trại trẻ mồ côi trên toàn quốc.
Thông thường những công ty này sẽ làm từ thiện với hình thức trích lợi nhuận từ sản phẩm để làm các công tác cộng đồng. Số tiền của quỹ phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hàng bán ra trong thời gian diễn ra chương trình đó. Đây là hình thức kinh doanh từ thiện hợp pháp.
Mở quỹ từ thiện
Quỹ từ thiện là cách gọi một tổ chức có tư cách pháp nhân rõ ràng được thành lập với mục đích quyên góp tiền, tài sản từ những người hảo tâm để giúp đỡ những người gặp rủi ro hoặc khó khăn trong cuộc sống.
Hiện nay có rất nhiều những tổ chức từ thiện uy tín gây quỹ ở Việt Nam. Một số trong đó là những quỹ từ thiện có uy tín như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổ chức phẫu thuật nụ cười, Từ thiện Trẻ em Sàigon, Tổ chức từ thiện Quốc tế cho người tàn tật, Quỹ VinaCapital, v.v. Quỹ từ thiện cũng là cách kinh doanh từ thiện được cho phép tại Việt Nam.
Khám bệnh từ thiện
Trong số những hoạt động từ thiện cũng phải bao gồm dịch vụ chữa bệnh cho người nghèo. Nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế như bệnh viện, phòng khám luôn luôn có. Mô hình Khám bệnh từ thiện có chủ yếu đến từ những khoản tiền sau:
1/ Những người sử dụng dịch vụ có trả phí, khoản phí này sẽ không chi trả hết các chi phí khám chữa bệnh của người đó mà dùng phần tiền còn thừa để chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh của người khó khăn. Chi phí này sẽ chi trả một phần hoặc toàn phần tuỳ theo từng đơn vị. Đây cũng là hình thức kinh doanh từ thiện phổ biến.
2/ Quỹ tiền để khám bệnh từ thiện được quyên góp từ nhiều nguồn, sau đó thuê bác sĩ, đội ngũ y tế đến địa phương có nhiều người khó khăn để làm công tác thiện nguyện. Đây cũng là mô hình khám bệnh từ thiện dễ bắt gặp nhất ở những khu vực vùng sâu vùng xa, nơi đời sống người dân còn khó khăn.
Cửa hàng từ thiện
Cửa hàng từ thiện là gì? Ở Việt Nam có cửa hàng từ thiện không? Cửa hàng từ thiện chỉ nơi để mọi người cùng trao đổi, buôn bán các mặt hàng đã qua sử dụng với mức giá rất rẻ, thậm chí chỉ với 0 đồng. Mặt hàng của cửa hàng từ thiện chủ yếu là những nhu yếu phẩm hằng ngày như là quần áo, giầy dép, vẫn còn dùng được, chủ yếu để phục vụ người nghèo.
Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin của cửa hàng từ thiện Impact Thrift Store, một tổ chức từ thiện nổi tiếng được thành lập tại Mỹ. Họ nhận đồ hiến tặng, mang bán lại kiếm lời để lấy quỹ làm việc từ thiện. Việt Nam cũng có nhiều cửa hàng từ thiện 0đ, 2000đ, những quán cơm 1000đ, 2000đ cũng phổ biến.
Khi kinh doanh từ thiện bị lợi dụng để trục lợi
1/ Câu lạc bộ Tình nguyện và từ thiện an sinh xã hội Việt Nam ở Hải Dương
Năm 2015 báo chí đăng rầm rộ thông tin một câu lạc bộ mang tên “Tình nguyện và từ thiện an sinh xã hội Việt Nam”, có trụ sở tại Hải Dương với lời kêu gọi “Bỏ tiền làm từ thiện, kiếm cả tỷ đồng mỗi năm”.
Mô hình kinh doanh sặc mùi đa cấp với những lời quảng cáo như “Mỗi thành viên chỉ cần đóng 150.000 đồng/tháng nhận hoa hồng 1tr/người cho mỗi người gia nhập dưới trướng. Hoặc đóng 1,5 triệu/tháng và sẽ được 2 triệu/người nếu tìm được người khác tham gia. Nếu ai có thu nhập trên 10 triệu/tháng, câu lạc bộ sẽ trích ra 5% để làm từ thiện”.
2/ Câu lạc bộ Tình người ở Hà Nội
Câu lạc bộ Tình người từng mời mọc người tham gia bằng lời quảng cáo xây nhà cho người nghèo, tặng quà, xây chùa; hành hương đi lễ chùa dưới tên gọi “Đạo tràng Thiên phúc”… người tham gia phải đóng số tiền 2.4 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên không lâu sau, năm 2021 những hội viên câu lạc bộ từ thiện này đã cùng làm đơn tố cáo đến chính quyền vì họ nhận ra đây chỉ là tổ chức truyền bá “tà đạo”, “mê tín dị đoan”…, và mục đích muốn người tham gia tự giác đóng góp tiền mặt, càng nhiều càng tốt để “giải nghiệp”, “đón phúc”, “tạo duyên”…
3/ Môi giới từ thiện
Các đối tượng môi giới từ thiện đánh vào lòng trắc ẩn của các cá nhân có lòng hảo tâm để lừa đảo, trục lợi dựa trên sức khoẻ của người khó khăn. Những mảnh đời cùng cực bi đát, éo le được chúng đăng tải liên tục trên mạng xã hội chỉ để mục đích kiếm càng nhiều càng tốt. Nhiều trong số đó không phải là người thật, việc thật. Hoặc có trường hợp những tay cò mồi từ thiện này sẽ ăn chia với người bệnh % số tiền quyên góp được. Thậm chí còn có trường hợp số tiền được quyên góp chúng chỉ trích tiền để thanh toán viện phí, còn lại bỏ túi.
Kinh doanh từ thiện sẽ rất tốt nếu như được làm đúng cách, tiền đến với đúng người cần đến. Từ thiện là tốt đẹp, nếu như bạn tìm hiểu kỹ để tránh phải tiếp tay cho những tên ăn trên nỗi đau của người khác. Video dựa trên ý kiến chủ quan, bạn có thể đóng góp thêm ý kiến bên dưới bình luận để chúng ta cùng trao đổi về kinh doanh từ thiện nhé.