Khi đề cập đến danh sách các tỷ phú thành đạt tại Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến các doanh nhân trong ngành công nghệ, tài chính hay bất động sản. Nhưng trên đỉnh cao của danh sách này, có một tỷ phú đến từ một lĩnh vực khá đặc biệt và ít được chú ý – ông Tần Anh Lâm, người đã biến nghề nuôi lợn trở thành một nguồn thu lớn, mang về hơn 200 tỷ đồng/ngày cho công ty chăn nuôi Muyuan của ông.
Tần Anh Lâm, sinh năm 1965 trong một gia đình nông dân đông con tại huyện Nội Hương, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông đã có một tuổi thơ khá nghịch ngợm và không quan tâm đến việc học. Năm lớp 7, ông còn bị lưu ban một năm. Nhưng đây lại là cú hích để Tần Anh Lâm thức tỉnh. Cậu bé 13 tuổi nhận ra rằng nếu không đỗ đại học, cuộc sống tương lai sẽ rất khó khăn và nghèo nàn. Vì vậy, ông quyết định cố gắng học tập chăm chỉ để thay đổi số phận. Sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Tần Anh Lâm nhanh chóng tiến bộ vượt bậc trong học tập, khiến mọi người xung quanh không khỏi ngạc nhiên.
<<<Xem thêm: Chàng trai 9X nuôi thỏ đẻ ra tiền triệu đáng để học hỏi
Từ nhỏ đã có đam mê kinh doanh.
Năm 1979, khi đang theo học trung học, Tần Anh Lâm đã tình cờ đọc một bài báo kể về thành công của Hoàng Tân Văn – một doanh nhân giàu có từ chăn nuôi lợn. Sự thành công này đã làm nảy sinh ý tưởng trong tâm trí ông, và ông quyết định thử khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi lợn. Ông chia sẻ ý tưởng này với cha mình, và với sự ủng hộ từ gia đình, ông đã dùng 800 NDT tiết kiệm được để mua 20 con lợn con. Tuy nhiên, bi kịch ập đến khi dịch tả xuất hiện, làm chết 19 con trong số đó. Mặc dù thất bại, nhưng điều này lại là điểm khởi đầu cho ông Tần Anh Lâm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và theo đuổi ngành chăn nuôi lợn. Năm 1985, với thành tích xuất sắc, Tần Anh Lâm nhận được cơ hội học tại Đại học Hà Nam. Tuy nhiên, ông đã từ chối và quyết định theo đuổi đam mê của mình là chăn nuôi gia súc tại Đại học Nông nghiệp. Đồng thời, người bạn cấp 3 và sau này là vợ của ông, Kim Anh, cũng theo học ngành thú y tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Chăn nuôi Trịnh Châu. Năm 1989, cả hai cùng tốt nghiệp và được phân công làm việc tại một nhà máy liên doanh thịt của nhà nước ở Hà Nam. Năm 1990, Tần Anh Lâm và Kim Anh kết hôn và lựa chọn ở lại Nam Dương làm việc trong suốt 3 năm. Trong khoảng thời gian này, Tần Anh Lâm không ngừng nghiên cứu và đọc sách để nâng cao kiến thức về chăn nuôi lợn. Năm 1992, cùng với sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp tại Trung Quốc, ông và vợ bắt đầu kinh doanh riêng của mình. Thay vì ở lại thành phố lớn, họ quyết định trở về quê nghèo với chỉ có 260 NDT trong túi để theo đuổi đam mê của mình.
Bắt đầu làm giàu từ 22 con lợn
Để có vốn kinh doanh, Tần Anh Lâm gom góp được tổng cộng 31.000 NDT từ người thân và bắt tay vào xây dựng chuồng lợn. Ông nghiêm túc đầu tư để xây một chuồng lợn một chuồng lợn hiện đại, có các chức năng giữ nhiệt, thông gió, cung cấp thức ăn và xử lý phân. Ông tự mình di chuyển gạch, xây tường, đào giếng, xây tháp nước và kéo dây điện để tiết kiệm chi phí. Ông cũng xây một lán nhỏ bằng cây ngô đồng gần chuồng lợn để thuận tiện trong việc chăm sóc đàn lợn của mình. Mặc dù đã đặt nỗ lực và tâm huyết vào việc khởi nghiệp, nhưng số tiền đầu tư vẫn không đủ. Vì vậy, Tần Anh Lâm đã phải vay thêm hơn 10.000 NDT để đầu tư. Đến tháng 6 năm 1993, ông chính thức nuôi thử nghiệm 22 con lợn trong mô hình chuồng lợn hiện đại. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi thực tế, khởi nghiệp lần này của Tần Anh Lâm lại thất bại thảm hại do dịch bệnh. Tuy trải qua thất bại, Tần Anh Lâm không bỏ cuộc mà tiếp tục vay mượn tiền và chăn nuôi 2.000 con lợn vào năm 1994. Tuy nhiên, vận xui tiếp tục đeo bám ông khi một buổi sáng năm 1995, một số con lợn con bắt đầu có biểu hiện bất thường. Dù đã kiểm tra nhưng ông và vợ không tìm ra nguyên nhân. Lo lắng, họ viết thư đến giáo viên đại học nhờ sự giúp đỡ. Nhưng trước khi nhận được phản hồi, trong vòng 3 ngày, trang trại đã mất hơn 70 con lợn. Sau khi phát hiện lợn bị nhiễm bệnh tương tự như bệnh dại và chỉ có một doanh nghiệp ở Cáp Nhĩ Tân sản xuất vaccine phòng và điều trị bệnh, nhưng việc vận chuyển mất 10 ngày. Trong tình trạng tuyệt vọng, vợ của Tần Anh Lâm đã liên hệ trực tiếp với Cục Chăn nuôi Hà Nam để xin sự giúp đỡ. May mắn, vaccine đã được gửi đến chỉ trong 2 ngày, giúp cứu được 1.900 con lợn còn lại.
<<<Xem thêm:5 Loại Cá Vừa Dễ Nuôi Vừa Cho Doanh Thu Cao
Từ người nông dân chăn lợn, trở thành tỷ phú với tài sản khổng lồ
Năm 1996, Tần Anh Lâm bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi với hơn 10.000 con lợn với khoản vay 1,5 triệu NDT. Ông đã rút ra kinh nghiệm từ những lần trước và tập trung vào việc chăn nuôi lợn một cách khoa học. Ông đặt quy định cho tất cả nhân viên vào trại heo phải cách ly trong 14 ngày. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tìm hiểu và học hỏi từ các cơ sở chuyên môn và trang trại tiên tiến trong và ngoài nước. Vào năm 2000, Tần Anh Lâm thành lập công ty chăn nuôi Muyuan nhưng lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. Khi đó, nhiều trang trại thường sử dụng clenbuterol trong thức ăn để tăng tốc tăng trưởng của lợn. Thịt từ những con lợn được nuôi bằng clenbuterol có màu hồng hào và mùi vị ngon. Tuy nhiên, Tần Anh Lâm không cho phép nhân viên của mình sử dụng chất này. Điều này dẫn đến việc thịt lợn của ông bị chê quá béo, làm giảm lượng bán và doanh thu hàng năm mất hơn 2 triệu NDT.
Tuy vậy, sự kiên định này đã giúp Tần Anh Lâm giành được lòng tin của khách hàng. Thịt từ trang trại lợn của ông an toàn, và nhiều khách hàng đã ủng hộ sản phẩm của ông. Năm 2006, doanh số bán lợn của Muyuan đạt 360.000 con, và công ty của ông trở thành nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất Trung Quốc. Năm 2014, Tần Anh Lâm đã niêm yết công ty lên sàn chứng khoán sau khi mở rộng quy mô kinh doanh. Ngay khi niêm yết, ông trở thành người giàu nhất tỉnh Hà Nam với tài sản ròng 4,5 tỷ NDT. Năm 2018, Trung Quốc đối mặt với đại dịch tả heo châu Phi và các biện pháp kiểm soát được ban hành và áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những biện pháp này đã làm tăng chi phí và giảm tỷ suất lợi nhuận gộp xuống còn khoảng 7% đối với nhiều doanh nghiệp hàng đầu. Tuy nhiên, mô hình tự quản lý tập trung của Muyuan đã cho thấy sự ưu việt và ít bị ảnh hưởng. Năm 2019, do thiếu hụt thịt lợn, giá thịt tăng cao. Tần Anh Lâm đã tận dụng cơ hội này và Muyuan đã đạt doanh số bán hàng 50.000 con lợn mỗi ngày, đạt lợi nhuận ròng hơn 80 triệu NDT (hơn 263 tỷ đồng). Trong năm đó, Tần Anh Lâm cũng trở thành người giàu nhất tỉnh Hà Nam với tài sản trên 100 tỷ NDT. Khối tài sản này đã giúp ông vượt qua nhiều ông trùm Internet và trở thành một trong những người giàu nhất. Vào năm 2021, tài sản ròng của ông đã đạt khoảng 199,2 tỷ NDT (hơn 657.000 tỷ đồng).
Tần Anh Lâm đã trở thành tấm gương sáng trong ngành chăn nuôi và kinh doanh, truyền cảm hứng cho những người trẻ có ước mơ khởi nghiệp. Qua câu chuyện thành công của mình, ông đã khẳng định rằng không có công việc nào quá nhỏ, mà quan trọng là sự cống hiến và quyết tâm của chính bản thân mỗi người.
<<<Xem thêm:Lão Nông Kiếm Gần 1 Tỷ 1 Năm Nhờ Trồng Lúa Kết Hợp Nuôi Rươi