Thế Giới Di Động (MWG) từ lâu đã được biết đến như một trong những doanh nghiệp bán lẻ thành công nhất thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực điện thoại di động và điện máy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thế giới di động bất ngờ lao dốc “không phanh” khi phải cắt giảm nhân viên đồng thời đóng cửa hàng loạt các chuỗi cửa hàng như Bluetronics tại Campuchia và thương hiệu AVAFashion và AVAJi. Thêm vào đó là việc hệ thống nhà thuốc An Khang và siêu thị Bách Hoá Xanh liên tục thua lỗ. Vậy, điều gì đã khiến Thế Giới Di Động rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay? Hãy cùng Blog Khởi Nghiệp điểm qua nguyên nhân của sự suy thoái đáng chú ý này nhé!
Tình cảnh của Thế Giới Di Động hiện tại
Theo báo cáo tài chính quý I-2023, MWG ghi nhận quý kinh doanh với mức lợi nhuận hợp nhất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Con số cụ thể cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt 5.214 tỷ đồng, giảm 36%. So với thời điểm cùng này năm ngoái, lợi nhuận đã giảm mất hơn 2.900 tỷ đồng. Mặc dù MWG đã giảm khoảng 19% các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, nhưng sau khi trừ hết chi phí này, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm gần 99%.
Điều đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính quý I-2023 của MWG là biến động bất thường về mặt nhân sự. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, số lượng nhân viên của công ty giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm. Đây đã là quý thứ 2 liên tiếp Thế Giới Di Động cắt giảm lượng lớn nhân sự, điều này diễn ra trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ đang suy yếu. Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2022 đã ghi nhận quy mô nhân sự của MWG đã bị thu hẹp còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% tổng số nhân sự. Như vậy, chỉ trong vòng 2 quý gần đây, số lượng nhân sự của MWG đã giảm gần 13.000 người, đưa quy mô nhân sự về mức tương đương cuối năm 2021.
<<<Xem thêm: Vì sao đế chế Nokia sụp đổ? Nguyên do khiến ai cũng phải gật đầu
Nguyên nhân của sự suy thoái
Tình hình chung của nền kinh tế đang khó khăn
Kể từ năm ngoái, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đều phải đối mặt với dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế, do ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraina và tàn dư của đại dịch Covid-19. Những biến động này đã gây ra một loạt vấn đề đáng lo ngại, bao gồm tăng giá năng lượng và lạm phát tăng kỷ lục ở Mỹ và Châu Âu. Việc giá năng lượng tăng đã góp phần làm gia tăng áp lực tài chính lên các doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận và khả năng tiếp cận nguồn cung cấp. Đồng thời, lạm phát cũng đã tạo ra những tác động không lường trước trên thị trường, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia vào trạng thái suy thoái. Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã gặp khó khăn khi không có đủ đơn hàng để duy trì sản xuất. Nhiều công ty đã phá sản, và một số khác phải hoạt động cầm cự để trụ vững trước khó khăn. Hàng trăm nghìn công nhân cũng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và nghỉ việc do sự suy giảm của nền kinh tế. Như nhiều doanh nghiệp khác, Thế Giới Di Động cũng không thể tránh khỏi những khó khăn trong môi trường kinh doanh này. Đặc biệt, trong lĩnh vực buôn bán đồ điện tử, những mặt hàng không phải là thiết yếu trở nên khó bán hơn. Đặc biệt là khi người tiêu dùng đang hạn chế chi tiêu không cần thiết và tập trung vào các mặt hàng cần thiết hơn. Nói đơn giản có thể hiểu là khi đang gặp khó khăn, con người vẫn phải mua thịt và rau để đảm bảo chất lượng cuộc sống chứ không ai đi nâng cấp đồ công nghệ mới lúc đó cả.
<<<Xem thêm:10 đơn vị SỈ THỰC PHẨM SẠCH uy tín nhất hiện nay
Khó khăn trong việc vay trả góp
Tại đại hội cổ đông năm 2023, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới Di động, đã chia sẻ về những khó khăn đối mặt trong ngành hàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), một phần đến từ khó khăn của các đối tác cho vay trả góp. Theo ông Tài, doanh thu từ việc vay tiêu dùng với các sản phẩm của Thế giới Di động đã có sự giảm sút đáng kể. Trước đây, doanh thu từ việc cho vay trả góp chiếm hơn 35% tổng doanh thu của toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiện tại, con số này đã giảm xuống còn dưới 10%. Trước đây, Thế giới Di động từng có 3 – 4 đối tác cho vay trả góp, nhưng hiện chỉ còn lại duy nhất một đối tác, gây hạn chế đáng kể đối với khả năng mua hàng của khách hàng thông qua hình thức trả góp. Ông Tài cũng bày tỏ sự lo ngại về việc duyệt vay trả góp đã trở nên khó khăn hơn. Trước đây, tỷ lệ duyệt vay thành công của Thế giới Di động đạt mức 60-70%, tuy nhiên, hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn khách hàng gặp khó khăn trong việc mua hàng trả góp, dẫn đến việc giới hạn khả năng tiếp cận các sản phẩm của công ty.
<<<Xem thêm:Top 4 lý do khiến bạn thất bại khi mở shop hoa tươi hiện nay
Thất bại ở nhiều mô hình kinh doanh
Trong những năm gần đây, Thế Giới Di Động đã liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh và thâm nhập vào những thị trường mới, kinh doanh các sản phẩm và ngành hàng mới. Tuy nhiên, không phải quyết định đầu tư nào cũng đem lại thành công. Gần đây, trong một buổi gặp mặt với các nhà đầu tư, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã nhận được nhiều lo ngại về mô hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, đã chia sẻ với các nhà đầu tư rằng công ty nhận thấy rủi ro khi làm quá nhiều thứ, từ kinh doanh điện thoại, điện máy đến hàng hoá thiết yếu, dược phẩm, thời trang, trang sức và đồ dùng cho mẹ và bé. Mở rộng quá nhanh và đa dạng về ngành hàng đã đem đến nhiều thách thức và gây lỗ lớn cho MWG. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2022, chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách hóa Xanh của MWG đã ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 7.394,96 tỷ đồng. Không chỉ riêng chuỗi Bách hóa Xanh, các chuỗi bán lẻ khác mà Thế Giới Di Động mở ra sau đều đang ghi nhận thua lỗ. Cụ thể, Công ty MWG Cambodia Co., Ltd, đơn vị đầu tư tại Campuchia, đã ghi nhận lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022 lên tới 604,7 tỷ đồng. Cùng thời điểm đó, Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang, công ty liên kết của Thế giới di động, cũng ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 318,6 tỷ đồng.
<<<Xem thêm:8 Lý do mở spa thất bại hầu như ai cũng mắc phải nhưng không nhận ra
Đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ
Các đối thủ cạnh tranh của Thế Giới Di Động như Cellphones và Hnam Mobile đã áp dụng một chiến lược kinh doanh theo quy luật 20/80. Điều này có nghĩa là trong khi Thế Giới Di Động bày bán đa dạng các thương hiệu và thiết bị di động cũng như linh kiện liên quan, thì đối thủ chỉ tập trung vào 20% những mặt hàng quan trọng nhất mà họ cho rằng sẽ chiếm đến 80% doanh số. Điều này bởi vì người tiêu dùng thường mua các mặt hàng phổ biến và dễ tìm kiếm, không quan tâm nhiều đến những mặt hàng hiếm và khó tìm. Các đối thủ sẽ tập trung vào các mặt hàng bán chạy để tránh chôn vốn và giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, Thế Giới Di Động lại chọn phương pháp bán đa dạng, nhập lượng lớn các loại hàng hóa, dẫn đến việc hàng tồn kho của công ty đạt giá trị lên tới 20.957 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng tài sản. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ tồn kho lớn và áp lực tài chính. Một vấn đề khác là về giá cả. Các cửa hàng cạnh tranh với Thế Giới Di Động thường có giá bán điện thoại thấp hơn Thế Giới Di Động từ 1 triệu đồng đến vài triệu đồng. Đối với những nhà cung cấp điện thoại nổi tiếng như Samsung và iPhone, các đối thủ cạnh tranh còn chọn cách phân bổ hàng hóa cho những cửa hàng nhỏ hơn. Điều này dẫn đến việc khách hàng có thể tìm thấy mặt hàng tại những cửa hàng gần nhà, họ sẽ không muốn đến các cửa hàng lớn để mua vì nếu mua tại địa phương họ sẽ có thể được hỗ trợ bảo hành tốt hơn. Ngoài ra, vào năm 2021, Thế Giới Di Động cũng từng dính vào lùm xùm “quỵt” tiền thuê mặt bằng với các chủ nhà, có thể chính vì điều này nên nhiều khách hàng không hải lòng và từ chối mua sản phẩm tại đây.
Trên đây là cái nhìn tổng quan của Blog Khởi Nghiệp về tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động. Nói chung trong lĩnh vực kinh doanh thì sẽ có những lúc hưng thịnh và cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp lớn như Thế Giới Di Động gặp khó khăn, thua lỗ và phải sa thải hàng nghìn nhân viên là một điều đáng tiếc. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn đối diện với hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người đã mất việc làm. Blog Khởi Nghiệp hy vọng rằng tương lai Thế Giới Di Động sẽ tìm ra hướng đi mới, sáng tạo và linh hoạt trong kinh doanh để đối mặt với thách thức và tạo ra những thành công vượt bậc.
<<<Xem thêm:Mở quán nướng: Những sai lầm khiến bạn thất bại