Bắc Giang nổi tiếng là vùng đất giàu từ nông nghiệp, trong đó đặc biệt phải kể đến Tân Yên. Người dân rất chịu khó tìm tòi, học hỏi đem về nhiều giống cây có hiệu quả kinh tế cao chứ không chỉ phụ thuộc vào vải thiều. Nếu bạn cũng muốn làm giàu từ nông nghiệp thì tại sao lại không học hỏi người dân ở Tân Yên, Bắc Giang nhỉ. Qua video này của Blog Khởi Nghiệp bạn sẽ biết được:
– 3 loại cây đang đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho Tân Yên, Bắc Giang
– Họ đã phát triển và làm giàu từ các loại cây đó như thế nào
– Doanh thu hàng năm đem về là bao nhiêu
Bây giờ thì Blog Khởi Nghiệp mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết nhé
1/ Làm giàu từ trồng tre lục trúc lấy măng và bảo vệ môi trường
Nếu bạn về xã Ngọc Châu, Tân Yên đến thôn Trại Mới, bạn sẽ gặp các lùm tre lục trúc xanh mướt tỏa bóng xuống hai bên ven đường. Đâu đó là cảnh những nông dân đang cần mẫn lao động thu hoạch măng lục trúc trong các vườn, bãi.
Được biêt, mấy năm gần đây, tre lục trúc giống Đài Loan trở thành loại cây đặc sản mang lại “lợi ích kép” giúp người nông dân ở xã Ngọc Châu phát triển kinh tế và tiến tới làm giàu, hơn nữa còn giúp bảo vệ chống sói mòn, sạt lở, bảo vệ môi trường hiệu quả. Về Ngọc Châu bây giờ, nhà nào có quỹ đất là cũng đầu tư trồng tre lục trúc để lấy măng.
Người khởi sướng đưa cây tre lục trúc về trồng lấy măng là chị Dương Thị Luyện – giám đốc HTX măng Lục Trúc lâm sinh Ngọc Châu. Chị trải lòng, sau mấy năm đầu tư chăn nuôi lợn, thất bại gần 4 tỷ đồng. Chị hết sạch vốn, trắng tay chị phải đi chợ buôn bán măng kiếm sống.
Chị tới các tỉnh Lạng Sơn; Thái Nguyên; Bắc Kạn… mua măng đưa về thành phố Bắc Giang rồi bán cho các tiểu thương.
Thấy măng lục trúc ngon, giá cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng thế là chị Luyện nảy ra ý nghĩ, tại sao mình có đất mà lại không trồng măng lục trúc để phát triển kinh tế nhỉ?
Nghĩ là làm, chị Luyện thôi đi chợ, tìm lại những khóm tre lục trúc Đài Loan sót lại trong vườn nhà của dự án do Công ty đầu tư xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Thực phẩm chế biến – Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 1995 triển khai đầu tư trên địa bàn xã. Sau đó dự án gần như bị chìm vào quên lãng. Bắt đầu từ việc nhân giống, trồng ra trong vườn nhà, chị Luyện dồn hết tâm huyết vào đầu tư chăm sóc giống tre này.
May sao, Tre lục trúc hợp chất đất, khí hậu, phát triển cho ra lứa măng đầu tiên, chất lượng, hương vị thơm ngon, giòn ngọt không kém gì măng của các nơi khác. Đến cuối năm 2018, chị Luyện quyết định thành lập HTX măng Lục Trúc lâm sinh Ngọc Châu do mình làm Giám đốc với 07 thành viên HTX, tham gia trồng gần 05 ha tre lục trúc lấy măng tại thôn Trại Mới.
Chất lượng sản phẩm măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu của HTX dần liên tục khẳng định được vị trí, chỗ đứng và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường
Từ 07 thành viên ban đầu, đến nay HTX phát triển lên tổng số 26 thành viên, với tổng diện tích tre lục trúc khoảng 60 ha, toàn huyện có khoảng trên 70 ha trồng lục trúc. Phong trào trồng tre lục trúc lấy măng đã lan tỏa ra 17/22 xã, thị trấn các xã trên địa bàn huyện Tân Yên và một số tỉnh khác tìm về HTX măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu học hỏi kinh nghiệm và mua giống về đầu tư. Đến nay, tổng số vốn hoạt động của HTX hiện nay khoảng 14 – 15 tỷ đồng”, – Giám đốc Dương Thị Luyện chia sẻ.
2/ Phát triển vườn nho Hạ Đen xanh mát, trĩu quả ở Tân Yên
Nếu có dịp, mời bạn về thăm khu vườn nho Hạ Đen cách trung tâm thị trấn Cao Thượng khoảng 1,5 km về phía Tây của gia đình anh Nguyễn Tiến Vinh ở Tổ dân phố Nguộn, trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Anh Nguyễn Tiến Vinh hiện là chủ vườn nho Hạ Đen huyện Tân Yên, vườn nho của anh được rất nhiều người biết tơi.
Anh Vinh chia sẻ “Năm 2020, tôi biết Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang bán giống nho Hạ Đen đồng thời chuyển giao công nghệ, tôi quyết định đầu tư trồng diện tích gần 0,4 ha. Hạ Đen là giống nho á nhiệt đới có nguồn gốc nhập từ Đài Loan, giống nho này ít sâu bệnh, cho hiệu quả năng suất cao. Cây nho Hạ Đen có đặc tính khác hẳn với giống nho nhiệt đới của tỉnh Ninh Thuận, nếu để tự nhiên cây sẽ cho quả quanh năm, tuy nhiên bằng các biện pháp kỹ thuật xử lý cắt tỉa, phun điều tiết sinh trưởng sẽ điều chỉnh cây ra quả 2 vụ/năm, năng xuất đạt 17 tấn – 18 tấn/ha. Với giá bán hiện nay dao động từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/kg, năm 2020, gia đình anh thu hoạch lứa đầu bán được khoảng 300 triệu đồng/năm, năm 2021, đạt khoảng 500 triệu/năm, hiện nay sản lượng nho ổn định đạt từ 5,5 – 6,0 tấn quả/năm, năm 2022 cũng đã thu được trên 500 triệu đồng trở lên”.
Chưa hết, mô hình trồng nho hạ đen của anh đắt khách vì nói không với thuốc trừ sâu hóa học, toàn bộ chùm nho trong vườn nhà anh Vinh được bọc túi vải chất liệu lưới mùng dây rút nhằm bảo vệ cây trước các loài côn trùng, ong châm hút nhựa hại quả đồng thời bảo đảm vệ sinh an toàn cho người sử dụng.
Không chỉ có nguồn thu từ bán nho ăn, anh còn có nguồn thu khi cho khách vào vườn tham quan chụp ảnh. Giá vé vào thăm vườn nho hạ đen là 20.000 đồng/người/lượt. Ngày nào cũng có hàng chụp du khách từ các nơi đến với vườn nho, dịp hè, học sinh, sinh viên các trường được nghỉ hè tìm đến. Du khách từ các nơi kéo về như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên Lạng Sơn và Hà Nội, họ đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh với phong cảnh vườn nho, ghi lại cho mình những hình ảnh, khoảnh khắc ấn tượng và thưởng thức nếm trái nho Hạ Đen không hạt chín tím thẫm ngọt lịm, dịu mát, giải toả cơ khát giữa mùa hè.
3/ Thăm vùng vú sữa làng Cửa Sông ở Tân Yên, Bắc Giang
Thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nằm cạnh ngã ba vùng trung lưu con Sông Thương. Từ bao đời nay, vùng đất này được bồi đắp bởi dải phù xa màu mỡ. Cũng là nơi cho ra thứ quả thơm ngon, ngọt mát “Vú sữa”.
Nếu đến làng Cửa Sông vào mùa hè, bạn sẽ luôn gặp cảnh người nông dân tấp nập thu hoạch quả vú sữa cho kịp thời vụ trên các vườn đồi, bờ, bãi ven dòng sông Thương. Vú sữa được mùa, chín sai trĩu cành. Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng vú sữa, tiến tới làm giàu từ vú sữa với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vú sữa đã làm đổi thay cuộc sống của người dân nông thôn mới xã Hợp Đức.
ông Nguyễn Văn Cường, 62 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức. Được biết, ông Cường chính là người ươm giống cây vú sữa đầu tiền trồng ở vùng đất bồi phù xa này. Nói về cơ duyên đến với nghề trồng vú sữa, ông nhớ lại: “Năm 1987, tôi được bà chị ruột cho mấy quả vú sữa tím về ăn. Thấy ngon, tôi liền lấy hạt đem trồng ngoài vườn. Hợp đất, cây lớn nhanh, sau 4 năm, cây bói lứa quả đầu tiên. Thấy vú sữa ăn lành, ngọt, mát, bổ dưỡng. Từ một cây, tôi nhân ra bằng phương pháp chiết cành và gieo ươm hạt. Lúc đầu từ 5-7 cây, dần dần cứ mỗi năm trồng thêm một ít nhân rộng ra khắp vườn đến nay được khoảng 1 – 2 ha, với khoảng gần 130 cây vú sữa cổ. Hiện nay, vú sữa của gia đình tôi đều có tuổi đời từ trên dưới 30 năm. Cây vú sữa tổ này được trên 35 năm rồi đấy”
Thấy trồng cây vú sữa dễ, hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đất phù xa, cho nhiều quả, mùi vị hấp dẫn, thơm ngon, mát bổ, nhiều người trong làng đến xin ông giống về trồng, nhân rộng ra phát triển kinh tế. Xã Hợp Đức có các thôn Cửa Sông; Hòa An; Lò Nồi; Hòa Mục và Lục Liễu trên phát triển mạnh mô hình trồng vú sữa. Trong xã, thôn nào cũng có gia đình trồng vú sữa. Hộ ít cũng gần chục cây đến vài chục gốc, hộ nhiều có tới hàng trăm gốc.
Năm 2020, gia đình ông Cường còn mở rộng đầu tư, trồng thêm 01 vườn vú sữa ngoài bãi sông với diện tích khoảng 0,18 ha. Đến nay ông đã có trong tay cả hecta trồng vú sữa.
Với giá bán vú sữa hiện nay, trung bình tại vườn cho lái buôn là 25.000 đồng/kg quả loại 1. Có thời điểm vú sữa lên giá bán buôn tới 30.000 – 35.000 đ/kg. Những năm gần đây, sản lượng vú sữa của gia đình ông Cường thu hoạch ổn định hàng năm khoảng trên dưới 20 tấn quả/năm. Bán ra thị trường ước đạt được khoảng trên 500 triệu đồng/năm.
Trên đây là những mô hình phát triển nông nghiệp đem lại thu nhập cao cho người dân ở Tân Yên, Bắc Giang. Vẫn còn rất nhiều ý tưởng hay để các bạn có thể làm giàu cho vùng quê của mình. Đừng quên chia sẻ với Blog Khởi Nghiệp những câu chuyện làm giàu hay nhé.