5 Tháng Năm, 2024

Đôi vợ chồng gom “lộc trời” thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Thay vì dậy sớm và cuồng quay làm việc mà số tiền kiếm được còn không chắc đủ tiêu ở thành phố lớn, nhiều người cho rằng họ thà về quê, tuy vắng vẻ, không quá giàu có nhưng dễ sống. Kiểu sống này đang trở thành sự lựa chọn của khá nhiều người trẻ. Ở độ tuổi đang phát triển sự nghiệp, việc rời thành phố lớn trở về quê hương nghe có vẻ mộng mơ, nhẹ nhàng hơn nhưng đó có thật sự đúng như vậy hay không? Chúng ta cần chuẩn bị như nào mới có thể thực sự “sẵn sàng” cho quyết định này? Bài viết dưới đây của Blog Khởi Nghiệp là câu chuyện của người trong cuộc! Bạn hãy theo dõi nhé!

“Bỏ phố về quê” xuất phát từ một chuyến đi hết sức tình cờ

“Bỏ phố về quê” đang là một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ trong những năm gần đây. Đối với chị Lê Thị Kim Cường, sinh năm 1985, tại Trà Vinh, việc từ bỏ công việc kế toán tại một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh để về quê “nuôi cá, trồng rau” bắt nguồn từ một cơ duyên hết sức tình cờ. Chị Cường chia sẻ rằng, cách đây 7 năm, chị và chồng có cuộc sống khá ổn định tại Sài Gòn. Tuy nhiên, áp lực công việc cùng với sự hối hả và ồn ào nơi phố thị khiến chị luôn khao khát một cuộc sống bình yên, chậm rãi hơn. Chị Kim Cường nhớ lại, hồi đó chị luôn mơ ước về một ngôi nhà nhỏ, xung quanh phủ xanh cây cối. Thường thường, chị hay tâm sự ước mơ đó với chồng và cuộc sống yên bình ở nông thôn là điều mà cả hai vợ chồng chị đều mong muốn. Trong một lần tới nhà người bạn ở Bến Lức – Long An, chơi, chị Kim Cường và chồng tình cờ đi ngang qua một mảnh đất trống đang được rao bán. Vợ chồng chị thấy đất rộng, đẹp mà rẻ và chỉ vài ngày sau đó, 2 vợ chồng chị đã quyết định tậu mảnh đất này để làm nơi lập nghiệp. Khi đó, giá mua chỉ là 550 triệu đồng, nhưng hiện tại giá đất đã tăng lên nhiều. Đến hiện tại, chị Cường cũng không ngờ rằng, Long An sẽ trở thành quê hương thứ hai của mình một cách tình cờ như vậy. Sau đó, vợ chồng chị Kim Cường đã bỏ công việc ở thành phố, rời xa những bộn bề, sự hối hả để quay về quê trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện tinh thần và nâng cao sức khỏe, cũng như có nhiều thời gian hơn để dành cho việc khám phá thế giới xung quanh cùng các con.

<<<Xem thêm: Bỏ việc lương cao khởi nghiệp bị nói là “dại”, sau hơn 1 năm cô gái thu 30 tỷ đồng

Nhiều khó khăn nhưng không hề bỏ cuộc mà vẫn kiên trì khai phá đất hoang

Trước khi chuyển sang nuôi cá, gà, trồng rau, cây ăn trái và nuôi yến, chị Kim Cường chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ trở thành một người nông dân thực thụ. Trước đó, chồng chị là một công nhân viên chức và chị đang làm kế toán cho một công ty với thu nhập khá ổn định. Quyết định trở về quê làm nông dân và sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của vợ chồng chị Kim Cường đã gây ngạc nhiên cho bạn bè và người thân. So với công việc văn phòng, nghề nông đòi hỏi họ phải chịu nhiều vất vả và mệt mỏi hơn. Nhiều người đã nghi ngờ: Người ta đi học, đi làm ở thành phố để tránh xa khỏi cảnh chân lấm, tay bùn. Đằng này lại “bỏ phố về quê” làm nông dân? Chị Kim Cường cũng thừa nhận rằng, trong những ngày đầu khai hoang, lập nghiệp, vợ chồng chị đã phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Chị khẳng định rằng, “bỏ phố về quê” không phải là lựa chọn dành cho những người muốn có cuộc sống nhàn nhã. Để bắt đầu một cuộc sống mới, chúng ta cần phải có đủ tài chính, đất đai, và phải bỏ ra nhiều chất xám cùng mồ hôi và công sức. Khi chị và chồng mới đặt chân đến vùng đất này, họ phải khai hoang trên mảnh đất bạt ngàn lau sậy, mấp mô chỗ cao chỗ thấp. Nhìn vào, họ đã cảm thấy nỗi sợ hãi, nhưng họ vẫn quyết định cải tạo mảnh đất này thành vườn tược.

<<<Xem thêm:Anh thợ may hết thời, đổi đời với trại gà thu tiền tỷ

Tuy nhiên, đã “đâm lao thì phải theo lao”, vợ chồng chị không ngần ngại thuê thêm người để cải tạo và khai hoang đất. Chị Cường cho biết, trong quãng thời gian làm việc ở Sài Gòn, vợ chồng chị đã tích cóp được một ít vốn để mua đất. Lúc đó, mảnh đất này vẫn còn rất hoang sơ, không có cả điện và nước. Hai vợ chồng chị phải khai hoang và cải tạo đất, vì đất ở đây phèn nhiều. Sau đó, anh chị mua cây về trồng, mỗi loại vài cây để tạo thành một khu vườn “thập cẩm”, sau đó thử nuôi gà và cá. Chị còn làm thí nghiệm thử một căn nhà Yến mini vỏn vẹn 40 mét vuông. Ban đầu, không có điện và thiết bị, nhà yến hư hỏng liên tục, còn đất phèn nhiều, cây trồng không sống được, nuôi gà cũng không thành công… Mặc cho khó khăn, nhưng chị Kim Cường không hề bỏ cuộc mà vẫn kiên trì. Và cuối cùng, mọi nỗ lực của vợ chồng chị đã được đền đáp. Sau khoảng hơn một năm, chim yến bắt đầu bay vào nhà mỗi ngày một nhiều và chị thu hoạch được những tổ yến đầu tiên. Với lợi nhuận đó, vợ chồng chị đã đầu tư kinh phí để xây thêm nhà yến, trồng thêm cây ăn trái, nuôi cá, gà, và trồng rau.

<<<Xem thêm:Cô gái dân tộc Tày bỏ phố về quê khởi nghiệp: Chơi lớn, đầu tư 3 tỷ đồng

Gom “lộc trời” thu tiền tỷ mỗi năm

Nhìn ngắm trang trại của hai vợ chồng, ai cũng không khỏi ngạc nhiên trước ngôi nhà nhỏ xinh giữa khu vườn rực rỡ sắc màu của hoa, cây trái: từ bưởi, cam, táo, ổi cho đến vô số những loại rau xanh. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ việc bán “lộc trời”. Cựu kế toán quê Trà Vinh tiết lộ rằng mỗi năm, gia đình chị có thể thu nhập khoảng 1 tỷ đồng nhờ kinh doanh yến sào. Bên cạnh đó, chị còn thu hoạch rau xanh, trái cây, gà, cá… để bán và phục vụ nhu cầu của gia đình hàng ngày. Chị Cường cũng chia sẻ thêm, trở về quê, chị được sống chậm lại, tinh thần lúc nào cũng vui vẻ. Sau khi vườn tược và nhà yến đã đi vào ổn định, cuộc sống gia đình chị dần trở nên thoải mái hơn. Bây giờ, mỗi sáng chị đều thức dậy sớm, thả hồn vào không gian trong lành, rồi đi một vòng thu hoạch rau xanh, trái cây. So với hồi sống ở thành phố, hầu như nhà chị không tốn kém chi phí đi chợ hằng ngày. Lại được ăn rau trái, trứng, thịt, cá sạch tự cung tự cấp. Vườn tược rộng thênh thang, có nhiều không gian cho các con vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, chị Kim Cường đã xác định mục tiêu dài hạn từ ban đầu. Chính những mục tiêu cụ thể này đã giúp vợ chồng chị có kế hoạch cụ thể và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn khi về quê để sinh sống.

Có thể thấy rằng câu chuyện của chị Kim Cường là một minh chứng cho việc mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu bạn có sự nỗ lực và kiên trì. Việc “bỏ phố về quê” không chỉ là một sự thay đổi lớn về môi trường sống mà còn là một cơ hội để bạn tìm lại sự kết nối với thiên nhiên và vẽ nên một cuộc sống đáng mơ ước và đầy ý nghĩa.

<<<Xem thêm:Thầy giáo bỏ nghề về quê nuôi giun kiếm tiền tỷ mỗi năm